Với niềm tự hào và biết ơn sâu sắc, Đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tại Quảng trường chiến thắng Bạch Đằng - Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang – địa danh đã đi vào lịch sử với ba trận thủy chiến chống quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền; cùng với trận địa cọc gỗ là minh chứng hào hùng về sự kết hợp giữ sức mạnh và trí tuệ, tinh thần đoàn kết, tài thao lược của bậc tiền nhân “đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”.
Đoàn dâng hương, dâng hoa tại quảng trường Chiến Thắng với 3 tượng đài của các bậc danh vương, danh tướng Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo, đứng uy nghi canh giữ nơi cửa sông lịch sử.
Nằm trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, Đoàn đã đến dâng hương Đền thờ Bác Hồ, thể hiện rõ tư tưởng sáng, lòng tự hào dân tộc của Đảng bộ Công ty trong việc tuyên truyền, giáo dục CB - NV Skypec về truyền thống cách mạng, tiếp nối dòng chảy lịch sử từ các vua Hùng dựng nước, nền văn minh Đại Việt, đến thời đại Hồ Chí Minh, cho hôm nay và lưu truyền mai sau.
Cổng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên có quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, dưới là hàng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai bên là đôi câu đối “Đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết” – “Thành công, thành công, đại thành công”. Đó là những chân lý vĩnh hằng mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại.
Điểm đến tiếp theo của “Hành trình về nguồn” là Đền Xã Tắc tọa lạc bên bờ sông Ka Long, đền Xã Tắc (thuộc phường Ka Long, TP Móng Cái, Tỉnh Quảng Ninh). Đoàn dâng hương, nghe thuyết minh về Đền Xã Tắc – một trong di sản Quốc Gia, là ranh giới phân định đường biên giới nước bạn, đây là nơi khẳng định chủ quyền đất nước. Đền Xã Tắc được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV để thờ thần Xã Tắc Sơn Hà (vị thần đất nước). Đền Xã Tắc thờ Tam vị Thánh, gồm: Xã Tắc Đại vương (Thần chủ của đất đai quốc gia xã tắc), Cao Sơn Đại vương (Thần chủ về văn hóa nước Đại Việt) và Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng (Anh hùng dân tộc thời nhà Trần).
Đoàn dâng hương, dâng hoa tại Đền Xã Tắc.
Đoàn tham quan cộc mốc biên giới 1368 (3) - cột mốc "cứng", cắm bên bờ sông VN, nơi phân dòng của sông biên giới Ka Long và sông Ka Long trong lãnh thổ Việt Nam, cột mốc được xác định trên tọa độ địa lý, được VN - TQ thống nhất xác định, ký kết trong Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới đất liền VN - TQ.
Điểm dừng chân tiếp theo đoàn đặt chân đến mũi Sa Vĩ, nơi đặt nét vẽ đầu tiên trên bản đồ Tổ quốc Việt Nam. Mũi Sa Vĩ thuộc địa phận phường Trà Cổ, TP Móng Cái - điểm đánh dấu địa đầu cực Đông Bắc của đất nước là bức phù điêu hình 3 ngọn thông vươn thẳng lên trời, trên ghi câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“…Từ Trà Cổ rừng dương
Đến Cà Mau rừng Đước…”
Đoàn đã đặt chân đến mũi Sa Vĩ – nơi địa đầu Tổ Quốc.
Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn là cửa khẩu Móng Cái, Đoàn đến thăm nhà lưu niệm Bác Hồ - địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống tại TP Móng Cái nơi được vinh dự 2 lần đón Bác về thăm vào năm 1960 và 1961 và cột mốc 1369 (2). Cột mốc 1369 (2) nằm trong khu vực cửa khẩu Móng Cái là cột mốc biên giới Việt - Trung đầu tiên được xây dựng vào năm 2001. Đây là cột mốc khởi đầu cho 1379 cột mốc xác định biên giới dài gần 1.500 km giữa Việt Nam và Trung Quốc, bắt đầu từ mốc 0 tại A Pa Chải và kết thúc ở mốc 1378 ở cửa mũi Gót (Sa Vĩ).
Đoàn chụp ảnh tại cột mốc 1369 (2) nằm trong khu vực của khẩu Móng Cái là cột mốc biên giới Việt - Trung đầu tiên được xây dựng vào năm 2001.
Một số hình ảnh đẹp, trong chuỗi các hoạt động về nguồn của Đảng Bộ Công ty:
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại KDT Bach Đằng Giang - Hải Phòng.
Đoàn dâng hương, dâng hoa tại Đền Xã Tắc.
Vành đai biên giới, nơi chấm nét bút đầu tiên vẽ nên hình chữ S Việt Nam.
-------------------------------------
Bài và ảnh: TTSK - VP