SKYPEC - A brand of trust !
booktour.vn

NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

   Bài dự thi giải búa liềm vàng năm 2023
   Họ và tên : Nguyễn Phi Hùng
   Đảng viên, Nhân viên Chi bộ An Toàn Chất Lượng - Đảng bộ Công ty TNHH
   MTV  Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec).

     Tham nhũng, tiêu cực là những căn bệnh xã hội nguy hiểm, không chỉ làm cản trở sự phát triển của đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội mà nguy hiểm hơn, còn là mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, dẫn tới làm suy yếu bộ máy của Đảng và Nhà nước, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ XHCN; cho nên, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đã trở thành vấn đề cấp bách, song hành với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội. Khi tiếp xúc với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy”; tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
Vậy tham nhũng, tiêu cực là gì? Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Tham nhũng và tham ô là một hệ quả tất yếu của nền kinh tế kém phát triển, quản lý kinh tế - xã hội lỏng lẻo tạo ra nhiều sơ hở cho các hành vi tiêu cực, hiện tượng tham nhũng và các tệ nạn có điều kiện phát triển và tại đó một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế. Tham nhũng, tiêu cực làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm lòng tin của công dân vào nhà nước và đến chừng mực nào đó nó gây mất ổn định chính trị, kinh tế - xã hội. 
    Tham nhũng, tiêu cực xuất hiện từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước; bắt nguồn từ nền văn hóa đề cao lợi ích cá nhân. Các nghiên cứu về tham nhũng, tiêu cực ở các nước trên thế giới và Việt Nam cho thấy, tham nhũng, tiêu cực là hiện tượng xã hội gắn với sự xuất hiện chế độ tư hữu, sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước và các quyền lực công cộng khác. Tham nhũng, tiêu cực tồn tại ở mọi chế độ với những mức độ khác nhau, gây ra nhiều hệ lụy phức tạp trong đời sống xã hội. Các tác giả trong cuốn sách “Tools to support transparency in local governance” (Công cụ hỗ trợ cho tính minh bạch trong công tác cai trị ở địa phương) đã xác định quy luật hoạt động của tham nhũng, tiêu cực trong thực tế công quyền dưới dạng công thức tạm dịch như sau:
    Tham nhũng, tiêu cực = Độc quyền (hệ thống sở hữu phần lớn hoặc toàn bộ tài sản, và chi phối thị trường mà không thông qua quy luật thị trường) + Bưng bít thông tin (nắm quyền chi phối thông tin, thậm chí định hướng và lừa dối dư luận) - Tính minh bạch (minh bạch trong chính sách hành chính công, các chi phí công và trong đấu thầu dự án công) - Đạo đức luân lý (năng lực đạo đức luân lý của người tham gia vào hệ thống năng lực này để nhận biết đúng, sai và có khả năng làm điều đúng tránh điều sai). Theo đó, tham nhũng, tiêu cực dựa trên 4 yếu tố, là độc quyền cùng với bưng bít thông tin và thiếu đi sự minh bạch, thiếu đạo đức.
    Tham nhũng, tiêu cực gây tác hại lớn đến mọi mặt đời sống, xã hội. Về chính trị, tham nhũng, tiêu cực là trở lực lớn đối với quá trình đổi mới đất nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; nếu không sớm loại trừ sẽ làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; bộ máy nhà nước ngày càng trở nên quan liêu, xa dân, xuống cấp và hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Ở một phương diện khác, tham nhũng, tiêu cực có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị, trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của chế độ hiện hành. 
     Về kinh tế, nó gây thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước, tiền của, thời gian, công sức của nhân dân; làm chậm nhịp độ phát triển nền kinh tế. Đồng thời, phá vỡ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; hạn chế các nhà đầu tư thâm nhập thị trường; làm suy giảm uy tín, năng lực cạnh tranh; trực tiếp tác động xấu đến các chính sách an sinh xã hội; làm cạn nguồn đầu tư nội địa, gây trở ngại cho hoạt động kinh tế vĩ mô, kìm hãm hoạt động của các ngành kinh tế vi mô. 
     Về xã hội, tham nhũng, tiêu cực làm tha hóa nhân cách con người, xói mòn các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Tình trạng chạy theo lợi ích vật chất, vì đồng tiền sẵn sàng chà đạp lên luân thường, đạo lý, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, hủy hoại các dịch vụ công, gây nên những bức xúc trong đời sống xã hội. Đồng thời, làm méo mó, lệch chuẩn các quy tắc, nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức; gây tê liệt hệ thống hành pháp, mất đoàn kết nội bộ và đó sẽ là cơ hội cho kẻ thù lợi dụng chống phá. 
     Về kỷ cương, kỷ luật; tham nhũng, tiêu cực làm rối loạn kỷ cương, phép nước, gây đảo lộn các quan hệ xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân vào công lý, lẽ phải và lối sống có tình nghĩa. Thậm chí, nếu không ngăn chặn triệt để, đối tượng tham nhũng, tiêu cực có thể còn liên kết với các tội phạm khác, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, tội phạm kinh tế, tội phạm tẩy rửa tiền làm đảo lộn xã hội, xâm hại nền tảng đạo đức và công lý cũng như sự phát triển toàn diện của con người. Hiện nay, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực, trong đó có cả trọng án có quy mô lớn được phát hiện, điều tra, xử lý cho thấy xuất hiện xu hướng liên kết, hình thành tổ chức phạm tội trong các khu vực, lĩnh vực kinh tế, có yếu tố nước ngoài với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp.
Nguy hiểm hơn, tham nhũng, tiêu cực sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ mà chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch đã và đang ra sức lợi dụng để tấn công vào nội bộ Đảng, Nhà nước ta. Tham nhũng, tiêu cực là quá trình diễn ra từ bên trong, là kẻ thù nội sinh rất nguy hiểm bởi nó liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn, trực tiếp gây nên những bức xúc, hoài nghi trong nội bộ Đảng và các tầng lớp nhân dân. Sự kết hợp giữa yếu tố bên ngoài và nhân tố bên trong sẽ gây sự rối loạn xã hội, làm cho Đảng suy yếu dần và cuối cùng dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tự đánh mất vai trò lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội, rơi vào cái “bẫy” chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tạo điều kiện cho chúng thực hiện mưu đồ “không đánh mà thắng”.
Để việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, thiết nghĩ các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhìn nhận từ góc độ công thức để giải quyết vấn đề vấn đề, cụ thể là:
     Thứ nhất, phải chống độc quyền bằng thực hiện dân chủ trong tổ chức, trong xã hội. Ở  chi bộ đảng phải chấp hành và thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi vấn đề phải được đưa ra lấy ý kiến của đảng viên và thực hiện thông qua biểu quyết của tập thể.
    Thứ hai, chống bưng bít thông tin, tăng cường tính công khai minh bạch. Thông tin cần công khai phải được qua nhiều phương tiện, cách thức khác nhau nhằm tạo sự kịp thời, tính chính xác và tính định hướng cao. Phương thức tuyên truyền cũng cần kết hợp giữa phương pháp truyền thống như các cuộc họp, gặp mặt trao đổi và các phương pháp hiện đại như sử dụng mạng xã hôi, thực hiện tuyên truyền thông qua video clip, các hội thi, v.v.. 
    Thứ ba, giáo dục rèn luyện phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người đứng đầu các cơ quan đơn vị. Công tác giáo dục, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên là công tác xây dựng con người, đặc biệt là người đứng đầu, giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý. Thực chất đây là biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ xa; gắn “xây” với “chống”, lấy “xây” để “chống”, lấy phòng là chính và làm tốt phòng ngừa sẽ ít phải chống và chống sẽ hiệu quả. Quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội là đấu tranh với tệ tham nhũng, tiêu cực. Và, để biến quyết tâm đó thành hiện thực thì trước hết phải tăng cường công tác giáo dục, định hướng tư tưởng, nhất là giáo dục truyền thống; đẩy mạnh thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, đảng viên; tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự thống nhất trong nội bộ tổ chức đảng. Sức nặng, sự thành công của giáo dục, quản lý nằm ở khả năng, phẩm chất, nhân cách, đạo đức, uy tín của người đứng đầu. 
    Đảng bộ Công ty TNHH một thành viên Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec) tổ chức chương trình học tập, tham quan về nguồn năm 2023.
Thứ tư, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế kiểm tra giám sát. Kiểm tra, giám sát của Đảng là một bộ phận của công tác xây dựng Đảng, một nội dung quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, trong đó kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên có tác dụng kịp thời khắc phục khuyết điểm, ngăn ngừa những sại phạm xảy ra, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh. 
    Phòng chống tham nhũng, tiêu cực là công việc vừa cấp bách lại vừa lâu dài, cần có sự quyết tâm đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của tất cả các tổ chức và của mỗi người cán bộ, đảng viên. Mỗi tổ chức đảng mà trực tiếp và trước hết là chi bộ phải thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và phải thường xuyên đổi mới, linh hoạt trong các hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu, tự giác, giữ mãi hình ảnh “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Làm được như vậy, chắc chắn công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch vững mạnh sẽ thành công.
-------------------------------------------------------------------