Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dạy cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là “chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”. Người tâm niệm người phương Đông luôn coi trọng tình cảm và đạo đức, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Nêu gương là thái độ khiêm tốn, cầu thị, sâu sát và rút kinh nghiệm thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương ngời sáng, mẫu mực về tinh thần cầu thị, khiêm tốn, nhã nhặn, đặc biệt là thái độ học hỏi. Người đặt vấn đề cho cán bộ đảng viên phải thực hiện tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn, kịp thời,làm đến nơi đến chốn. “Sau mỗi việc cần phải rút kinh nghiệm …Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới”. Phải thường xuyên rút kinh nghiệm, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm căn cứ để công việc luôn đúng đắn và phù hợp, đồng thời phải coi trọng tổng kết thực tiễn. Trong công việc người luôn yêu cầu: “Đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu” nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể; có mục đích rõ ràng, cẩn thận; chương trình, kế hoạch đặt ra phải chi tiết , sát hợp, chu đáo; kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng; cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm, có điển hình và toàn diện.
Việc học tập và làm theo phong cách nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên ngày nay phải vận dụng sáng tạo quan điểm của Người, phải tích cực, tự giác học tập, lao động sáng tạo, có hiệu quả trong công việc với tinh thần “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Để làm gương và đi trước quần chúng, mỗi cán bộ đảng viên trong công việc cần năng động, sáng tạo, làm việc có kế hoạch, thường xuyên học hỏi, rút kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao.
Năng động là tích cực, chủ động dám nghĩ, dám làm. Sáng tạo là sự say mê, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới không bị phụ thuộc vào cái cũ. Năng động là cơ sở để sáng tạo và sáng tạo là động lực để năng động. Năng động, sáng tạo là phẩm chất cần thiết của người lao động trong xã hội hiện đại. Nó giúp con người vượt qua những ràng buộc của hoàn cảnh, rút ngắn thời gian để đạt được mục đích đã đề ra nhanh chóng, tốt đẹp. Trong xu thế phát triển của xã hội ngày nay, yếu tố năng động và sáng tạo là một trong những yếu tố cần thiết đối với mỗi con người, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chủ Tịch Hồ Chí Minh luôn dạy chúng ta phải đổi mới, linh hoạt. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột tay, cột chân người ta…Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Ngày 31-5-1946, trước khi đi Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với Cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng: Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ dĩ bất biến ứng vạn biến. Với tinh thần “dĩ bất biến ứng vạn biến” đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần giáo dục cán bộ, đảng viên rằng, muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài thì trước hết phải đánh thắng kẻ địch bên trong là chủ nghĩa cá nhân; muốn cải tạo thế giới thì trước hết phải cải tạo bản thân mình; một dân tộc, một đảng viên và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Việc nâng cao tính cách mạng, khoa học, năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên có nhiều biện pháp, nhưng dù có thực hiện biện pháp nào đi nữa đều đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện cho mình phương pháp, tác phong làm việc khoa học, thiết thực, hiệu quả; tự học tập, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt, đặc biệt là trình độ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị; phải gắn lý luận với thực tiễn cách mạng để nắm được bản chất khoa học và cách mạng của sự vật, hiện tượng, làm cơ sở cho nhận thức thực tiễn đúng đắn và có biện pháp giải quyết thấu đáo, năng động, sáng tạo và đạt hiệu quả cao. Đồng thời, phải rèn luyện phong cách làm việc có kế hoạch, có chuẩn bị, có quan điểm thực tiễn; đặc biệt “phải học cách nói của quần chúng, học cách làm của quần chúng”.
Những tấm gương về năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên phải kể đến Bác sĩ Đặng Văn Ngữ người đã nghiên cứu và sản xuất Penicillin để cung cấp cho bộ đội trong hoàn cảnh đất nước đang tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khó, ông đã tỏ rõ tinh thần hết mình vì công việc và vì nhân dân. Ông nói “Về phần riêng tôi, tôi quyết không chữa bệnh riêng và nguyện để tất cả thì giờ và tâm trí vào công việc nghiên cứu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vũ khí Liên Xô kết hợp trí tuệ Việt Nam tạo nên sức mạnh chiến thắng: để đánh được máy bay B52, từ năm 1967 đến năm 1972, tên lửa SAM-2 đã được cải tiến 5 lần để tổng thành của nhiều yếu tố như cơ chính xác, khí động học, điều khiển điện tử…đảm bảo khả năng hoạt động tối ưu và chính xác.
Ngày nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được gọi là Công nghiệp 4.0. Công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số từ những thập kỷ gần đây lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng. Công nghiệp 4.0 cung cấp một cách tiếp cận liên kết và toàn diện hơn cho sản xuất. Công nghiệp 4.0 trao quyền cho các chủ doanh nghiệp kiểm soát và hiểu rõ hơn mọi khía cạnh hoạt động của họ và cho phép họ tận dụng dữ liệu tức thời để tăng năng suất, cải thiện quy trình và thúc đẩy tăng trưởng.
Để đáp ứng yêu cầu của công nghiệp 4.0, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”. Thực hiện phương châm: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỉ luật, kỉ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kĩ năng sống, kĩ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế”.
Học tập tinh thần nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên của Chi bộ Kỹ thuật đã và đang không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin…đáp ứng yêu cầu công việc. Đặc biệt luôn ý thức trong việc phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động để hoàn thành hiệu quả công việc được giao, góp phần vào hoàn thành nhiệm vụ của Công ty và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
------------------------------------------------