Buổi hội thảo có sự tham gia của Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa, TGĐ Lê Hồng Hà, các PTGĐ và trưởng các cơ quan, đơn vị cùng gần 170 CBNV đến từ các đơn vị trong và ngoài nước của TCT.
Sự thay đổi tạo nên những kỳ vọng mới
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa đã nhấn mạnh vai trò và lợi ích của công nghệ trong cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đối với xã hội nói chung và với ngành hàng không nói riêng.
Trong bối cảnh ấy, VNA đã xây dựng chiến lược cụ thể với mục tiêu trở thành Hãng hàng không số vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, Hãng đã tiên phong ứng dụng công nghệ số vào nhiều lĩnh vực hoạt động của mình, như tập trung vào Thương mại điện tử để tăng tỷ lệ bán hàng trực tuyến, áp dụng các giải pháp toàn diện để nâng cao trải nghiệm khách hàng từ mặt đất tới trên không, tại bất kỳ điểm tiếp xúc nào; cung cấp các cản phẩm phụ trợ đa dạng, mang lại nhiều giá trị cho khách hàng.
Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh: VNA).
Ngoài ra, VNA đã và đang sử dụng nhiều công cụ kỹ thuật số khác nhau như hệ thống kế toán, hệ thống điểm bán hàng, hệ thống thông tin quản lý... giúp mang lại hiệu quả hơn cho các hoạt động kinh doanh, tăng năng suất và giảm chi phí cho VNA.
Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa cũng tin tưởng rằng, với sự sự hỗ trợ đắc lực từ các đối tác, cùng sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và các thành viên, VNA sẽ hoàn thành chuyển đổi số trong thời gian tới.
TGĐ Lê Hồng Hà, các PTGĐ và lãnh đạo các đơn vị tham gia Hội thảo tại phòng họp Sài Gòn. (Ảnh: VNA).
Đáp lời của Chủ tịch, Giáo sư Peter Coloe - Phó Hiệu trưởng phụ trách Phát triển Toàn cầu kiêm Phó Giám đốc RMIT Việt Nam đã cảm ơn và nhấn mạnh cơ hội của RMIT khi được hợp tác cùng VNA trong hành trình trở thành hãng hàng không số. Ông tin rằng, VNA và RMIT sẽ là những đối tác mạnh mẽ để dẫn đầu sự phát triển của ngành hàng không và tạo nên những đóng góp giá trị cho ngành.
Chủ tịch, Giáo sư Peter Coloe - Phó Hiệu trưởng phụ trách Phát triển Toàn cầu kiêm Phó Giám đốc RMIT Việt Nam cảm ơn và nhấn mạnh cơ hội của RMIT khi được hợp tác cùng VNA. (Ảnh: VNA).
Chuyển đổi số - Những điều quan trọng cần biết?
Đi vào phần chính của hội nghị, PGS Nguyễn Quang Trung tới từ trường ĐH RMIT đã đưa ra những khái niệm quan trọng về chuyển đổi số, khởi đầu từ việc phân biệt về số hóa và chuyển đổi số mà nhiều người có thể lầm tưởng. Theo đó, số hóa là bước chuyển thông tin sang dạng kỹ thuật số. Đây có thể được gọi là bước tin học hóa, là một thành phần của quá trình chuyển đổi số. Trong khi đó, chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện của mô hình và tổ chức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến, tối ưu và tự động hóa liên tục các quy trình, bộ phận và hệ sinh thái kinh doanh của thời đại siêu kết nối (giữa khối văn phòng trước và back office, dữ liệu, con người, đội nhóm, công nghệ…).
Netflix là một ví dụ tuyệt vời cho bài học thành công của chuyển đổi số. Bắt đầu từ việc cung cấp dịch vụ đặt hàng qua thư, Netflix đã trở thành một thư viện nội dung với hệ thống video phát trực tuyến quy mô rộng và giá cả siêu cạnh tranh.
Ngược lại với Netflix là một số thương hiệu đã từng làm “vua” một thời trong lĩnh vực của họ, như Kodak, Yahoo, Compaq, Polaroid….và rồi giờ chỉ còn là sự hồi tưởng của một thời hoàng kim. Họ chính là những bài học thất bại đau đớn cho việc chậm chân trong chuyển đổi và không bắt kịp với thời đại. Chẳng có doanh nghiệp nào muốn thất bại, ai cũng muốn thành công, vì vậy chúng ta không thể đứng yên, trong khi thế giới vẫn đang vận động.
PGS Nguyễn Quang Trung đưa ra những khái niệm quan trọng trong quá trình chuyển đổi số.
Vậy, chuyển đổi số cụ thể là chuyển đổi những gì?
Theo PGS Nguyễn Quang Trung, đầu tiên chúng ta cần thay đổi trải nghiệm khách hàng bằng cách thấu hiểu để có thể tạo nên những điểm chạm với khách hàng, từ đó có những tăng trưởng nổi bật và hàng đầu trong ngành. Tiếp đến, chúng ta hành động thông qua các quá trình chuyển đổi số, với sự hỗ trợ của nhân viên, đi kèm việc quản lý hiệu suất của toàn bộ quá trình. Cuối cùng, chúng ta xây dựng mô hình kinh doanh, các hoạt động kinh doanh theo định hướng chuyển đổi số, toàn cầu hóa kỹ thuật số.
Có 6 yếu tố cần lưu ý để thực hiện chuyển đổi số, đó là quản trị - chiến lược - văn hóa - kỹ thuật và an ninh mạng – phân tích dữ liệu – năng lực chuyển đổi số. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, từng yếu tố sẽ có vai trò khác nhau. Trong đó, có 4 giai đoạn trong suốt quá trình chuyển đổi số, đó là giai đoạn sơ cấp, giai đoạn trung cấp, giai đoạn nâng cao và giai đoạn trưởng thành kỹ thuật số.
Tại Việt Nam, thông qua những nghiên cứu của RMIT, nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhóm các doanh nghiệp nhà nước đa phần đều đang ở giai đoạn trung cấp của quá trình chuyển đổi số, trong khi các doanh nghiệp có quy mô lớn và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì đã ở giai đoạn nâng cao.
Chuyển đổi số là một hành trình gian nan với bất kỳ tổ chức nào. Tỉ lệ thành công thường thấp (dao động từ 60% đến 80%), vì vậy doanh nghiệp cần có những sự chuẩn bị đầy đủ để có thể chuyển đổi thành công.
CBNV tham gia Hội thảo tại phòng họp Hoa Sen. (Ảnh: VNA).
Chiến lược chuyển đổi số
Kết thúc phần thuyết giảng của PGS Nguyễn Quang Trung, Giáo sư Robert (Bob) McClelland với Chiến lược chuyển đổi số đã cung cấp một mô hình tháp chiến lược với 4 bậc, tương ứng với 4 giai đoạn để tạo ra khung chuyển đổi số.
Ở giai đoạn 1 – Lập kế hoạch - Giáo sư đã đưa ra năm bước trong lập kế hoạch chuyển đổi số cho doanh nghiệp, gồm có tạo khung thách thức kỹ thuật số; xác định mức độ mong muốn thực hiện chuyển đổi số; xác định sức mạnh kỹ thuật số có liên quan của doanh nghiệp; xác định các điểm mạnh điểm yếu hiện có và cuối cùng là các biện pháp nhằm tạo cảm giác cấp bách để thúc đẩy tập thể cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Ở giai đoạn 2 - Thực thi – Giáo sư đã nêu ra bốn bước để kích hoạt và thực thi một chiến lược chuyển đổi số, bao gồm xây dựng năng lực kỹ thuật số, xây dựng khả năng quản trị chuyển đổi sổ, huy động hết mọi nguồn lực tham gia vào quá trình chuyển đổi số và tập trung vào đầu tư kỹ thuật số.
Chuyển đổi số là cả 1 quá trình và giai đoạn thực thi sẽ chiếm nhiều thời gian, nhưng tạo nền tảng cơ sở để doanh nghiệp có thể chuyển đổi số thành công.
Ở giai đoạn 3 - Duy trì – Có ba hoạt động giúp hoàn thiện và phát triển quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bao gồm việc mài giũa kỹ năng cho CBNV, động viên nhân viên bằng những khen thưởng phù hợp cũng như thực hiện đo lường hiệu quả các hoạt động chuyển đổi, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.
Giai đoạn 4 là kết quả của toàn bộ 3 giai đoạn trên, khi đó doanh nghiệp đã nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa hoạt động và có thể có mô hình kinh doanh mới. Toàn bộ quá trình này không có điểm dừng mà phải tiến hành liên tục.
Chuyển đổi số phải đi kèm an toàn thông tin và bảo mật
Có một chiến lược chuyển đổi số tốt nhưng nếu không có các biện pháp để bảo mật thông tin và duy trì an ninh mạng, những thành quả mà doanh nghiệp có được sẽ có nguy cơ bị sụp đổ.
Thuyết giảng về chủ đề Bảo mật thông tin dưới góc nhìn người dùng, Tiến sĩ Phạm Duy Đăng đã nêu rõ rằng quản lý bảo mật thông tin là vô cùng phức tạp, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới người dùng. Những người quản lý cần đưa ra những biện pháp hiệu quả để người dùng phối hợp với doanh nghiệp nhằm bảo vệ thông tin của người dùng, thay vì đối kháng với họ bằng những biện pháp tiêu cực và khắt khe như trước đây.
Theo Tiến sĩ, có 4 việc mà doanh nghiệp cần làm để trau dồi văn hóa an toàn thông tin, đó là cần phải xác định các mối đe dọa an toàn mạng, bảo toàn thông tin, các kỹ năng an toàn thông tin nói chung và tham gia bảo mật.
Tiến sĩ Phạm Duy Đăng và Phạm Công Hiệp, thuyết giảng về chủ đề Bảo mật thông tin dưới góc nhìn người dùng. (Ảnh: VNA).
Doanh nghiệp cũng cần đo lường mức độ bảo mật thông tin của mình thông qua các chương trình đào tạo và giáo dục nâng cao nhận thức về an ninh cũng như thiết kế thước đo thông tin và có thể tạo nên những chương trình nhà vô địch bảo mật thông tin để thúc đẩy CBNV có ý thức chung trong việc bảo mật thông tin của doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê, cứ 39 giây lại có 1 vụ tấn công của hacker, với những cách thức tấn công được cải tiến liên tục. Vì vậy, để tiếp nối về chủ đề an toàn mạng, Tiến sĩ Phạm Công Hiệp cũng đã phân tích các mối đe dọa an ninh mạng. Nguy cơ tới từ các thiết bị máy tính hay laptop của người dùng, những nền tảng di động cũng là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công mạng. Game, mạng xã hội hay internet vạn vật đều được tiến sỹ liệt kê vào các nguồn rủi ro mà hacker có thể sử dụng để tiếp cận người dùng.
Đặc biệt, trong ngành hàng không, những hiểm họa về an toàn mạng có ở khắp nơi, từ những công cụ IT hiện đại như các thiết bị IoT, học máy (machine learning), lưu trữ đám mây và điện thoán đám mây đều có thể tiềm ẩn nguy hiểm.
Riêng với VNA, theo thống kê, trong nửa đầu năm 2019, đã có tới có 162 sự cố từ các phần mềm độc hại, 21 cuộc tấn công hệ thống quét, 19 vụ tấn công vào website, 2 vụ tấn công có xác thực, 1 vụ khai thác lỗ hổng phần mềm từ hệ thống và thiết bị. Có 1553 vụ tấn công mạng từ email, 45 vụ từ các phần mềm, 21 vụ từ cổng quét….
Trong tương lai, ngành hàng không sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi mang tính đột phá, như sân bay thông minh với sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị IoT như cảm ứng, thiết bị truyền động, dữ liệu lớn, đám mây, công nghệ blockchain… Tuy nhiên, hiện đại và tiện ích cũng đi kèm nhiều rủi ro, đó là nguy cơ bị tấn công vào hệ thống, phần mềm, các thiết bị thông minh, hay những vụ lừa đảo kỹ thuật.
Vậy làm thế nào để bảo vệ VNA khỏi nguy cơ bị tấn công mạng?
Tiến sĩ đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích cho VNA như việc đánh giá cơ sở hạ tầng an ninh, thành lập đội ứng phó các sự cố an ninh mạng, sử dụng tự động hóa bảo mật, giảm thiểu những môi trường an ninh phức tạp, tăng sử dụng xác thực đa yếu tố, áp dụng kiến trúc không tin cậy và xây dựng chiến lược từ xa một cách lâu dài.
Cốt lõi của Lãnh đạo trong kỷ nguyên số đầy biến động
Trong phần cuối của Hội thảo, sự góp mặt của Giáo sư Mathews Nkhoma đã cập nhật những thông tin mới nhất về quá trình chuyển đổi số tại ngành hàng không toàn cầu, cũng như nêu rõ vai trò của lãnh đạo trong chuyển đổi số.
Giáo sư Mathews Nkhoma đã cập nhật những thông tin mới nhất về quá trình chuyển đổi số.
Hai trong nhiều ví dụ điển hình về những công nghệ đột phá trong ngành Hàng không mà Mathews đã đề cập tới, đó là Japan Airlines, đã từng giới thiệu một loại robot hình dáng như con người với tên gọi là Nao, có khả năng cung cấp dịch vụ cho khách hàng tại sân bay Haneda ở thành phố Tokyo; hay KLM và sân bay Schiphol của thành phố Amsterdam cũng sử dụng robot tự động có tên gọi là Spencer, với chức năng điều hướng chuyển đổi hành khách tới đúng cổng mà khách cần tới. Ngoài ra, Internet vạn vật, AI, công nghệ thực tế ảo đã và đang mang lại nhiều bất ngờ, đóng góp vào việc tăng trải nghiệm khách hàng trong ngành hàng không.
Trong tương lai gần của ngành hàng không từ nay tới năm 2030, khử carbon sẽ tạo nên sự thay đổi trong thiết kế máy bay, tính năng máy móc, nguồn năng lượng; trong khi kỹ thuật số sẽ là câu chuyện của dữ liệu số, in 3D, blockchain, hệ thống kinh doanh máy bay toàn cầu, AI, robot bảo trì, AR/VR, an ninh mạng, kỹ thuật giọng nói và sinh trắc học. Còn tốc độ là lĩnh vực của siêu âm thanh.
Để không bị bỏ lại phía sau, các hãng hàng không cần có những phản ứng nhanh nhạy với mọi sự biến đổi của thị trường, uyển chuyển thay đổi và nhanh chóng thích nghi. Đặc biệt, tư duy của người lãnh đạo đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.
Theo Mathews, người lãnh đạo phải biết lắng nghe, hành động, phản ứng về mọi mặt lý trí, tình cảm để toàn thể CBNV đi theo định hướng mới khi môi trường thay đổi nhanh và nhiều thử thách. Cũng theo ông, người lãnh đạo cần đào tạo, hướng dẫn nhân viên cách thấu hiểu và thông cảm với khách hàng; tạo cảm giác thoải mái cho nhân viên khi nhận được những phản hồi của họ; dạy nhân viên cách dẫn dắt cũng như thực thi nhiệm vụ; trao đổi với nhân viên bằng tông giọng nhẹ nhàng, hòa hoãn, tránh những ngôn từ trừu tượng; hướng dẫn nhân viên cách để tương tác bình đẳng.
Cuối phần thuyết giảng, các thành viên tham dự được đã tham gia thảo luận và trả lời các câu hỏi thông qua quét mã QR do Giáo sư cung cấp.
Cố vấn cấp cao của HĐQT, Ban giám đốc TCT - Dương Trí Thành chia sẻ kinh nghiệm cũng như suy nghĩ về công cuộc chuyển đổi số của VNA. (Ảnh: VNA).
Như một lời kết cho buổi hội thảo, Cố vấn cấp cao của HĐQT, Ban giám đốc TCT Dương Trí Thành đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như suy nghĩ về công cuộc chuyển đổi số của VNA. Theo ông, để có thành công rất cần sự thống nhất, nhất quán cao độ từ cấp lãnh đạo đến người lao động, có định hướng rõ ràng đặc biệt là về công nghệ, cần phải theo sát với nhu cầu thực tiễn, nhu cầu của khách hàng. Từ đó công cuộc chuyển đổi số của VNA nhất định sẽ thành công.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp
Buổi Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, cung cấp thêm những thông tin, kiến thức hữu ích giúp CBNV VNA mở rộng góc nhìn về chuyển đổi số, từ đó có thêm sự đồng lòng và quyết tâm thực hiện, để từng bước đưa VNA trở thành hãng hàng không số hiện đại, chuyên nghiệp và tầm vóc.
---------------
Bài và ảnh: Truyền thông nội bộ VNA.