SKYPEC - A brand of trust !
booktour.vn

ĐẢNG ỦY CÔNG TY TNHH MTV NHIÊN LIỆU HÀNG KHÔNG VIỆT NAM VỚI HÀNH TRÌNH THĂM QUAN VÀ TÌM HIỂU VỀ ĐỊA CHỈ ĐỎ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

    Thực hiện kế hoạch số 786-KH/ĐU ngày 18/9/2024 của Ban thường vụ Đảng ủy Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam về việc tổ chức chương trình “Học tập về nguồn” năm 2024; từ ngày 27 đến ngày 28/9/2024, Đảng bộ Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Đảng bộ SKYPEC) đã tổ chức chương trình “Tham quan, học tập về nguồn” tại thành phố Đà Nẵng dành cho Đảng Ủy, Ban lãnh đạo Công ty, Bí thư, phó bí thư các Đảng bộ cơ sở; Bí thư các chi bộ trực thuộc; Cán bộ Đoàn thể.

     Đảng bộ Skypec đã chọn thành phố Đà Nẵng là điểm đến của Hành trình học tập về nguồn năm 2024. Đảng bộ Skypec rất vinh dự khi được Ban Dân vận thành ủy Đà Nẵng kết nối với điểm đến đầu tiên là Thành Điện Hải - Di tích quốc gia đặc biệt nằm trên đường Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Đoàn đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ Danh tướng tài ba Nguyễn Tri Phương và các nghĩa sĩ đã hy sinh trong buổi đầu kháng Pháp tại Thành Điện Hải.

Đảng bộ Công ty Skypec dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Danh tướng Nguyễn Tri Phương

Toàn đoàn dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ tói công tác to lớn của Danh tướng Nguyễn Tri Phương và các nghĩa sĩ đã hy sinh

Bí thư Đảng ủy – Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Tuấn và Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng Trần Thắng Lợi thực hiện nghi thức dâng hương

     Năm 1858, Pháp và Tây Ban Nha chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam. Lúc này, thành Điện Hải trở thành tiền đồn phòng thủ, ngăn bước chân của kẻ thù, góp phần quan trọng vào cuộc chiến đánh bại thực dân Pháp tại Đà Nẵng từ năm 1858 đến 1860.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Tượng đài Danh tướng Nguyễn Tri Phương

     Đến tham quan tại Thành Điện Hải, các đồng chí cán bộ, đảng viên được nghe thuyết minh và tìm hiểu về các công trình như: hành cung, kỳ đài, kho chứa thuốc súng, đạn dược, thực phẩm. Ngoài ra, ở đây với kiến trúc độc đáo và toàn đoàn đã được tận mắt chiêm ngưỡng những khẩu thần công được làm bằng đồng, gang hoặc sắt có thể nặng tới 3 tấn và có những khẩu thần công hàng trăm năm tuổi. Trong đó có khẩu thần công được phát hiện vào năm 2008 có chiều dài 2,8m, đường kính phần đầu là 23cm và phần đuôi là 42cm. Có thể nói, thành cổ Điện Hải là công trình kiến trúc quân sự được xây dựng dựa trên sự tính toán kỹ lưỡng và khoa học của các vua triều Nguyễn, nơi ghi dấu những trận đánh oai hùng của quân dân Đà Nẵng.

Hình ảnh khẩu súng thần công được trưng bày tại Di tích.

     Tại đây, Đoàn tiếp tục tham quan Bảo tàng Đà Nẵng với không gian trưng bày, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa của thành phố Đà Nẵng và vùng phụ cận; trong đó có hơn 1.900 hiện vật gốc được sưu tầm từ sau ngày giải phóng đến nay, đặc biệt có nhiều tư liệu hiện vật quý, lần đầu tiên ra mắt công chúng. Không gian trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng được thiết kế theo hình vòng cung, lấy ý tưởng từ thế đất Đà Nẵng như một vòng tay lớn ôm lấy biển khơi với hình ảnh 5 cánh buồm, tượng trưng cho thành phố biển đang vươn ra biển lớn, trên đó khắc họa các bức phù điêu với nội dung: Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước. Đặc biệt là bộ sưu tập thành phố Đà Nẵng anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược; chứng tích chiến tranh của quân đội Mỹ ở chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng và miền Nam Việt Nam…

Đoàn nghe thuyết minh về một số hình ảnh và hiện vật về điều kiện tự nhiên, các cổ vật và các ngành nghề thủ công tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng

Đoàn nghe thuyết minh về một số hình ảnh đô thị Đà Nẵng trước năm 1975 và thời kỳ hội nhập và phát triển.

Đ/c Bí thư Đảng ủy Nguyễn Mạnh Tuấn và đồng chí Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng Trần Thắng Lợi tặng quà lưu niệm Ban quản lý Bảo tàng Đà Nẵng

Đồng chí Nguyễn Văn Luận – Phó Bí thư Đảng ủy tặng hoa và cảm ơn sự hỗ trợ từ Bảo tàng Đà Nẵng

Toàn đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Bảo tàng Đà Nẵng

Đảng ủy Công ty Skypec tặng quà lưu niệm Ban dân vận Thành ủy Đà Nẵng.

Đồng chí UV BTV, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng Trần Thắng Lợi tặng quà lưu niệm tại Chương trình Giao lưu Hành trình về nguồn của Đảng bộ Skypec

    Điểm đến tiếp theo của hành trình về nguồn là Hải Vân Quan – Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan, được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân, phía Tây núi Hải Vân, chỗ giáp vai giữa hai ngọn Hải Vân Sơn (phía Đông) và Bà Sơn (phía Tây), ở độ cao 496m so với mặt nước biển, thuộc dãy núi Bạch Mã - Hải Vân nằm trên địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (Tp. Đà Nẵng), cách trung tâm Tp. Huế khoảng 90km về phía Nam, trung tâm Tp. Đà Nẵng khoảng 28km về phía Bắc.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hải Vân Quan – Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan.

   Trong lịch sử, trước năm 1306, vùng đất có đèo Hải Vân thuộc hai châu Ô, châu Lý của Vương quốc Champa. Sau sự kiện Huyền Trân công chúa nhà Trần lấy vua Chế Mân, đèo Hải Vân trở thành biên giới giữa hai nước Đại Việt và Champa. Năm 1402, nhà Hồ chia vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đèo Hải Vân trở thành ranh giới giữa châu Hóa và lộ Thăng Hoa. Từ năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông thân chinh Champa, đèo Hải Vân được lấy làm ranh giới giữa hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, trở thành một vị trí xung yếu, hết sức quan trọng trên con đường Thiên lý Bắc Nam, là mối quan tâm đặc biệt đối với nhiều triều đại.

Toàn đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hải Vân Quan.

   Hải Vân không chỉ là một danh thắng hùng vĩ vào bậc nhất nước ta - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” - mà còn là nơi chứng kiến bao nhiêu chiến tích oai hùng trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc trong suốt nhiều thế kỷ qua và đặc biệt là những chiến công ở nơi đây trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1946 - 1975).

   Di tích Hải Vân Quan là một điểm đến vô cùng ý nghĩa đối với du khách trong nước và quốc tế khi được tham quan thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của núi rừng và biển. Đặc biệt, khi tới đây chúng ta ai cũng đều thấy được những giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam luôn được gìn giữ và phát triển.

   Điểm cuối cùng của Chương trình học tập về nguồn là Đoàn tham quan Kho đầu nguồn Skypec tại khu vực miền Trung; Đoàn đã được nghe đồng chí Đội trưởng Đội kho Vũ Ngọc Việt giới thiệu về hệ thống kho tại đây. Có thể nói Kho đầu nguồn Liên Chiểu là “một căn cứ chiến lược” của Skypec trong Hệ thống các kho đầu nguồn ba miền Bắc – Trung – Nam giúp Công ty luôn đảm bảo lượng hàng cũng như điều vận hàng hóa cho các kho sân bay một cách an toàn, chất lượng và hiệu quả. 

Đồng chí Trần Ngọc Việt – Đội trưởng Đội kho Đầu nguồn miền Trung giới thiệu về hệ thống kho bể tại Kho Liên Chiểu – Đà Nẵng

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở Đội kho.

Toàn cảnh bồn nhiên liệu tại Kho đầu nguồn Liên Chiểu

   Hành trình về nguồn của Đảng ủy Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (SKYPEC) là dịp để các đồng chí cán bộ, đảng viên trong đoàn cùng ôn lại hào khí những ngày đầu kháng Pháp, đồng thời giáo dục các thế hệ kế cận của Công ty về trang sử vàng của dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, chiến đấu bảo vệ tổ quốc, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân đối với sự hi sinh anh dũng của thế hệ cha anh. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới cũng như xây dựng Công ty phát triển bền vững.

Bài viết và hình ảnh: Văn phòng Đảng ủy