SKYPEC - A brand of trust !
booktour.vn

THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH GẶP MẶT ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN VIỆT NAM

Sáng 12/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Lê Văn Thành. Thay mặt TCT, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà tham dự buổi gặp mặt. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu (Ảnh: Trần Hải - ND). 
 
Phát biểu ý kiến tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc gặp này diễn ra trong không khí tình cảm, ấm cúng; cùng lắng nghe, chia sẻ, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhân dịp tiến tới Ngày Thành lập Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (19/10), Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Thủ tướng chúc doanh nhân nữa luôn phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển  đất nước. 
Thủ tướng trân trọng cảm ơn, tri ân đến các hiệp hội DN, doanh nhân đã luôn đồng hành, hưởng ứng cùng Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; cùng nhau xây dựng khát vọng đất nước hùng cường và thịnh vượng. Trong đợt dịch vừa qua, DN, doanh nhân đã đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phòng chống dịch Covid-19; đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân, cộng đồng DN, chúng ta đã kiểm soát được đợt dịch nguy hiểm với biến chủng Delta hết sức nguy hiểm. 

Thủ tướng cảm ơn đóng góp của cộng đồng DN, doanh nhân trong suốt quá trình phòng, chống dịch; cảm ơn sự động viên, tin tưởng của cộng đồng DN, doanh nhân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ; điều đó lại càng thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của Chính phủ  nhiều hơn đối với đất nước, nhân dân, cộng đồng DN. Với phương châm sản xuất, kinh doanh thì DN là trung tâm, chủ thể, mọi chính sách đều hướng đến DN; DN, doanh nhân đồng hành với Đảng, Nhà nước Chính phủ để thực hiện các chính sách, phát hiện các vấn đề còn tồn đọng, vướng mắc trong chính sách để chung tay tháo gỡ, chia sẻ trên tinh thần "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ". Chính phủ nhìn nhận khách quan, thẳng thắn để tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. 

Chúng ta cũng thống nhất nhìn nhận khó khăn hiện nay là rất nhiều vì đại dịch không lường hết; người dân và DN gặp rất nhiều khó khăn cả về vật chất, tinh thần, vốn, thị trường lao động... Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ; càng thấu hiểu, càng chia sẻ, Chính phủ càng trân trọng sự đóng góp của DN thì càng thấy trách nhiệm để cố gắng, vươn lên. Chính phủ kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm, phát huy tài sản vô giá của dân tộc là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, vượt qua khó khăn, thách thức, lấy đó là động lực phấn đấu vươn lên, trở nên mạnh mẽ hơn, ngày càng hoàn thiện hơn, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta hùng cường và thịnh vượng, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. 

Thủ tướng kêu gọi cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thách thức này, đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân; dứt khoát chúng ta sẽ vượt qua, đây là giá trị rất lớn của dân tộc ta, cha ông ta để lại, những lúc khó khăn thì lại đoàn kết vượt qua, qua khó khăn thì chúng ta lại lớn mạnh hơn, trưởng thành hơn để thực hiện mục tiêu to lớn mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Thời gian qua, điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như Nghị quyết 68, Nghị quyết 52, Nghị định 116...; các chính sách giảm tiền điện, nước, viễn thông..., là sự nỗ lực phấn đấu ất lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, so mong muốn và tổn thất của dịch bệnh gây ra thì chưa đạt yêu cầu.

Thời gian tới, việc tiếp tục cố gắng kiểm soát dịch bệnh là điều quan trọng để phục hồi kinh tế. Chính phủ đang thực hiện xây dựng tổng thể chính sách phục hồi kinh tế; xây dựng chương trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Trên cơ sở đó các bộ ngành đang cụ thể hoá Nghị quyết này để thực hiện từng bước lộ trình mở cửa an toàn, khôi phục sản xuất, kinh doanh.


Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà tham dự buổi gặp mặt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (Ảnh : Trần Hải - ND).
 
Chính phủ đã gặp gỡ, tiếp xúc với các cộng đồng DN cả trong nước và nước ngoài, qua đó nhận thấy, mong muốn nhất của các DN là có vắc-xin. Với nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã và đang giải quyết tốt vấn đề nhập khẩu vắc-xin và thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước. DN và doanh nhân là một trong những đối tượng ưu tiên. Chậm nhất quý IV này, các đối tượng ưu tiên phải được tiêm đủ 2 mũi, từ đó chúng ta tự tin mở cửa với tinh thần từng bước mở cửa lại nền kinh tế, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Khẩn trương trình cấp thẩm quyền phục hồi kinh tế-xã hội, trong đó có giải pháp hỗ trợ người dân, DN vượt qua khó khăn. Chỉ đạo bảo đảm lưu thông hàng hoá giữa các vùng, địa phương, không để ách tắc. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đang thông suốt điểm này nhưng chúng ta phải có lộ trình mở cửa an toàn, bước đi phải thận trọng, cân nhắc, tỉnh táo. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn, đất đai, tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường khả năng ứng phó của các cấp, nâng cao năng lực y tế từ T.Ư đến cơ sở. Tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách để phục hồi thương mại, dịch vụ; thúc đẩy áp dụng hộ chiếu vắc-xin. Tiếp tục rà soát trình cấp thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về kích cầu đầu tư, cả cầu và cung, hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất, chi phí vay vốn, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. 

Đây là bài toán khó, đòi hỏi phải tỉnh táo, thận trọng, nhưng không được chậm trễ. Sản xuất, kinh doanh phải lấy DN, doanh nhân là trung tâm, chủ thể để thực hiện. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, khôi phục thị trường lao động. Phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc để chiến thắng dịch bệnh. Thiết lập các kênh thông tin hợp lý, nhanh nhất để tiếp nhận phản ánh của người dân. Chính phủ giao các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để giải quyết các yêu cầu của người dân và DN nhanh nhất, sớm nhất, hiệu quả nhất có thể...

--------------
Bài và ảnh: Truyền thông nội bộ VNA.