Theo Người, nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa có gốc rễ, cội nguồn từ truyền thống văn hóa dân tộc, thể hiện tâm hồn, cốt cách, bản sắc của con người Việt Nam. Nền văn hóa ấy kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là truyền thống yêu nước thương nòi, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng; tinh thần nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất; tinh thần dũng cảm, kiên cường bất khuất, mưu trí, gan dạ trong chống giặc ngoại xâm.
Người chỉ rõ, văn hóa đứng ngang hàng với các lĩnh vực hoạt động khác của xã hội: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa” . Người chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác. Văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm trong văn hóa. Đời sống xã hội được xây dựng, kết cấu đan cài từ bốn lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó văn hóa là nền tảng tinh thần của đời sống xã hội, là lĩnh vực thuộc về kiến trúc thượng tầng của xã hội. Từ đó, một trong những vấn đề cơ bản, hệ trọng đặt ra là phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lĩnh vực văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội. Trong mối quan hệ với chính trị, xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và ở trong chính trị; chỉ khi chính trị, xã hội được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng; chính trị mở đường cho văn hóa phát triển. Văn hóa phải tham gia vào nhiệm vụ chính trị, tức là tham gia vào các hoạt động cách mạng, tham gia kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Văn hóa tham gia kháng chiến tức là văn hóa không đứng ngoài mà ở trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và cuộc kháng chiến trở thành cuộc kháng chiến có văn hóa.
Trong tư tưởng của Người văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Người yêu cầu văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi; đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự do, tự cường, tự chủ của con người Việt Nam. Văn hóa trở thành sức mạnh vật chất để thắng giặc ngoại xâm theo tinh thần lấy văn minh thắng bạo tàn. Nếu phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, thì xây dựng và phát triển văn hóa là để nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. Theo quan điểm đó, với tư cách là hệ giá trị định hướng điều chỉnh nhận thức tư duy, hành động của mỗi cá nhân và cộng đồng, xã hội thì văn hóa có sức mạnh: nuôi dưỡng tư tưởng, đạo đức và nhân cách con người. Vì thế, văn hóa, con người luôn là động lực, là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng.
Hiện nay, đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đổi mới và phát triển đất nước theo hướng tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thì việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thúc đẩy việc tự giác nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu; góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, Đảng ủy Công ty TNHH Một thành viên Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Đảng ủy Skypec) đã sớm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, gần đây Đảng ủy Công ty Skypec đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và phát triển văn hóa doanh nghiệp tại Công ty Skypec”, với quan điểm văn hóa Skypec là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của Công ty, chi phối tình cảm và hành vi của mọi thành viên, tạo nên sự khác biệt và là truyền thống riêng có của Skypec, là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để Công ty phát triển bền vững trước sự cạnh tranh gay gắt của thị trường. Sau đó, Tổng giám đốc Công ty thường xuyên chỉ đạo thực hiện các phương châm: “Tận tâm, tận lực – Kết sức mạnh – Nối thành công”, “Vững niềm tin – Bền kết nối” và các chương trình: “Văn hóa trách nhiệm”, “Văn hóa an toàn”, “Văn hóa học tập”, Tư duy văn hóa “5 làm” …trên nền tảng hệ giá trị cốt lõi của Công ty “An toàn – Chuyên nghiệp – Hiệu quả - Tin cậy – Vì cộng đồng”...; từ đó tạo thói quen, nề nếp tốt của người lao động.
Học tập, triển khai, thực hiện các Nghị quyết của Công ty tại Chi nhánh KVMB
Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy và sự chỉ đạo của Tổng Giám đốc Công ty, Đảng ủy Chi nhánh Công ty TNHH một thành viên Nhiên liệu Hàng không Việt Nam khu vực miền Bắc (Đảng ủy Chi nhánh) đã tổ chức học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch của Đảng ủy Công ty đến toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp. Xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện chuyên đề văn hóa Chi nhánh miền Băc một cách cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế để các tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động tự soi, tự sửa, phát huy các thế mạnh, khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém để ngày càng hoàn thiện bản thân; các các cấp ủy và người đứng đầu các cấp xây dựng nội dung thực hiện văn hóa lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch của Đảng.
Trong hoạt động SXKD, Đảng ủy Chi nhánh luôn gắn việc triển khai thực hiện Nghị quyết văn hóa doanh nghiệp với nâng cao trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của người đứng đầu các cấp. Quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực không chỉ về năng lực chuyên môn mà còn về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn hóa, chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong tình hình mới. Đối với cán bộ, đảng viên Đảng ủy yêu cầu “nói phải đi đôi với làm”; gương mẫu về đạo đức, lối sống và thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; công bằng, minh bạch, tình thương và trách nhiệm, xây dựng khối đoàn kết nội bộ.
Đối với người lao động, văn hóa thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thói quen, nề nếp tốt trong thực hiện các quy trình, quy định; không đổ lỗi, sẵn sàng thay đổi để tạo kết quả tốt nhất; chung tay xây dựng cảnh quan, môi trường và nét đẹp văn hóa con người Chi nhánh Skypec Khu vực miền Bắc “Thân thiện - Nhân ái - Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập”…
-----------------------------------------------
Phạm Thị Hương Giang - Phó Trưởng phòng KH-TH Chi nhánh Skypec Khu vực miền Bắc